Trong bài viết dưới đây, mời bạn cùng phapluat.org Tìm hiểu Quy phạm pháp luật là gì? Cấu trúc quy phạm pháp luật bao gồm những gì? Phân loại các quy phạm pháp luật. Và tìm hiểu văn bản quy phạm pháp luật là gì? nhé.

Quy phạm pháp luật

Trong bài viết dưới đây, mời bạn cùng phapluat.org Tìm hiểu Quy phạm pháp luật là gì? Cấu trúc quy phạm pháp luật bao gồm những gì? Phân loại các quy phạm pháp luật. Và tìm hiểu văn bản quy phạm pháp luật là gì? nhé.

Quy phạm pháp luật là gì?

Quy phạm pháp luật là hình thức thể hiện của pháp luật thành một quy tắc xử sự nhất định mà chủ thể phải tuân theo trong trường hợp cụ thể do Nhà nước quy định, và được bảo đảm thực hiện bằng sự cưỡng chế của Nhà nước.

Quy phạm pháp luật là thành tố nhỏ nhất của hệ thống pháp luật. Nó là quy tắc xử sự chung, là chuẩn mực để mọi người phải tuân theo, là tiêu chuẩn để đánh giá hành vi của con người. Thông qua quy phạm pháp luật ta biết được hoạt động nào phù hợp với pháp luật, hoạt động nào trái pháp luật.

Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh quan hệ xã hội theo những định hướng và nhằm đạt được những mục đích nhất định.

Ảnh tìm hiểu quy phạm pháp luật là gì?

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020), quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020) ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

Cấu trúc quy phạm pháp luật

Về nguyên tắc chung thì một quy phạm pháp luật được cấu thành bởi 3 bộ phận là: giả định, quy định, và chế tài. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi quy phạm pháp luật đều chứa đựng đủ cả 3 bộ phận này.

Giả định là phần xác định chủ thể tham gia quan hệ pháp luật và những hoàn cảnh, điều kiện mà chủ thể gặp phải trong thực tiễn.

Hay Giả định là bộ phận nêu lên những hoàn cảnh, điều kiện, tình tiết có thể xảy ra trong cuộc sống, và cá nhân hoặc tổ chức nào ở trong hoàn cảnh, điều kiện đó cần phải xử sự theo các quy định trong quy phạm pháp luật. Giả định phải sát với thực tế cuộc sống thì quy phạm mới có thể áp dụng được, mới phát huy tác dụng thiết thực.

Quy định là phần xác định chủ thể phải làm gì khi gặp phải hoàn cảnh, điều kiện đã nêu trong phần giả định (được một quyền, phải làm một nghĩa vụ, phải tránh các xử sự bị cấm).

Hay Quy định là bộ phận cơ bản của quy phạm pháp luật, không có quy định thì không thành quy phạm pháp luật. Quy định phải thể hiện đúng đắn, chính xác ý chí của Nhà nước, phải được trình bày thế nào để bảo đảm không thể hiểu sai, hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Chế tài là phần nêu rõ biện pháp, hình thức xử lý của nhà nước đối với người đã xử sự không đúng với quy định, hậu quả mà người đó phải gánh chịu.

Hay Chế tài là một bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên những biện pháp tác động mà nhà nước dự kiến sẽ áp dụng đối với chủ thể nào không thực hiện đúng mệnh lệnh của nhà nước đã nêu ở phần quy định của quy phạm pháp luật. Chế tài pháp luật chính là những hậu quả bất lợi đối với chủ thể vi phạm pháp luật. Đây là thái độ của nhà nước đối với họ đảm bảo cần thiết cho những quy định của nhà nước được thực hiện.

Có các loại chế tài như: chế tài hình sự, chế tài hành chính, chế tài kỷ luật, chế tài dân sự.

Ảnh cấu trúc quy phạm pháp luật gồm có gì?

Phân loại các quy phạm pháp luật

Việc phân loại các quy phạm pháp luật cũng khá đa dạng như sau:

Căn cứ vào đặc điểm của các ngành luật, quy phạm pháp luật có thể phân chia thành:

  • Quy phạm pháp luật hình sự,
  • Quy phạm pháp luật dân sự,
  • Quy phạm pháp luật hành chính…

Căn cứ vào nội dung của quy phạm pháp luật có thể chia thành:

  • Quy phạm pháp luật định nghĩa,
  • Quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Căn cứ vào hình thức mệnh lệnh nêu trong quy phạm pháp luật có thể chia thành:

  • Quy phạm pháp luật dứt khoát,
  • Quy phạm pháp luật tuỳ nghi,
  • Quy phạm pháp luật hướng dẫn.

Căn cứ vào cách trình bày quy phạm pháp luật có thể chia thành:

  • Quy phạm pháp luật bắt buộc,
  • Quy phạm pháp luật cấm đoán,
  • Quy phạm pháp luật cho phép.

Văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020).

Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020) thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, cụ thể như sau:

  • Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.
  • Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
  • Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.
  • Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
  • Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  • Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên là tổng hợp các thông tin liên quan về quy phạm pháp luật mà phapluat.org gửi đến bạn đọc. Tiếp tục truy cập phapluat.org để có thêm nhiều thông tin pháp luật khác nhé!